Arm chấm dứt thỏa thuận thiết kế chip với Qualcomm
Arm Holdings, tập đoàn công nghệ đứng sau kiến trúc chip Arm, được cho là đã gửi thông báo chính thức chấm dứt quyền sử dụng thiết kế chip Arm của Qualcomm. Theo thông tin từ Bloomberg, Qualcomm chỉ còn 60 ngày để chuẩn bị cho sự thay đổi này sau khi nhận được thông báo từ Arm.
Snapdragon – dòng vi xử lý hàng đầu của Qualcomm hiện vẫn dựa trên kiến trúc Arm, và quyết định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến Qualcomm. Tuy nhiên, Arm từ chối bình luận về sự kiện này.
Vấn đề căng thẳng giữa hai bên xuất phát từ một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Arm, công ty có trụ sở tại Anh và thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank Group (Nhật Bản), đã kiện Qualcomm vào năm 2022. Nguyên nhân là do Qualcomm không gia hạn giấy phép sau khi mua lại Nuvia, một công ty cũng phát triển chip dựa trên kiến trúc của Arm. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 tại tòa án liên bang Delaware, Mỹ.
Arm từng tuyên bố rằng thiết kế vi xử lý trên các máy tính chạy Microsoft Copilot+ dựa trực tiếp từ công nghệ của Nuvia – mà các giấy phép đã bị Arm thu hồi.
Phía Qualcomm lại có quan điểm khác. Phát ngôn viên của công ty đã gọi động thái của Arm là "một lời đe dọa vô căn cứ", với mục tiêu tăng phí bản quyền và can thiệp vào hiệu suất CPU. Theo Qualcomm, đây là nỗ lực của Arm nhằm gây nhiễu quá trình pháp lý và hành động này hoàn toàn không có cơ sở. Qualcomm tự tin rằng quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ trong tòa án và hành vi phản cạnh tranh của Arm sẽ không thể thành công.
Nếu Arm giành chiến thắng, Qualcomm cùng với nhiều đối tác lớn như Microsoft có thể phải dừng việc bán các máy tính Copilot+, chủ yếu là laptop. Điều này thậm chí có thể làm đảo ngược thương vụ mua lại Nuvia của Qualcomm.
Theo phân tích từ Android Authority, việc Arm hủy bỏ thỏa thuận cấp phép có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Qualcomm, đặc biệt trong lĩnh vực di động. Snapdragon, dòng chip phổ biến nhất trên các thiết bị Android, cũng như nhiều dòng chip khác của Qualcomm đều dựa trên kiến trúc Arm. Với doanh thu hàng năm từ Snapdragon lên tới 39 tỷ USD, Qualcomm có nguy cơ đối mặt với việc dừng bán sản phẩm và các vụ kiện pháp lý kéo dài.
Thị trường di động toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng, khi sự gián đoạn trong sản xuất có thể tác động đến khả năng hoạt động trơn tru của các thiết bị dùng chip Snapdragon trong tương lai.
Tuy nhiên, Qualcomm dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này. Vào ngày 22/10, hãng đã ra mắt Snapdragon 8 Elite, thế hệ chip tích hợp trí tuệ nhân tạo cho di động. Điểm đáng chú ý là chip mới này sử dụng kiến trúc Oryon, một sản phẩm tự phát triển của Qualcomm thay vì dựa trên kiến trúc Arm.